Thiên tai cực đoan đe dọa miền Tây

 

VTV9 - “Đại hồng thủy” là những gì người dân ven biển Tây thuộc 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang dùng để miêu tả đợt sóng cao chưa từng có trong hàng chục năm qua.

Khoảng 3.000 căn nhà bị sập, ngập, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nhiều người phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất". Đến giờ này, người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng vì những gì đã xảy ra. Tất cả đều bất ngờ trước sự giận dữ của thiên nhiên. Đó là những thiệt hại trước mắt. Nỗi lo lớn hơn là 26.000 hộ dân với 130.000ha đất sản xuất và nuôi thủy sản vùng ngọt hóa bị mặn đe dọa trực tiếp bởi hàng chục điểm sạt lở thân đê biển Tây có thể bị sóng đánh sập bất cứ lúc nào.

Đầu tháng 8/2019, những con sóng đánh tràn qua đê, tràn vào vùng sản xuất thuộc hệ sinh thái nước ngọt, cuốn trôi và gây ngập hàng nghìn nhà dân cùng tài sản tích góp trong hàng chục năm trời. Hàng trăm người được huy động ngày đêm để bảo vệ tuyến đê biển có nguy cơ bị vỡ vào bất cứ lúc nào. Người dân đang phải sống trong sự đe dọa trước sự giận dữ của những con sóng biển Tây mà cuộc đời họ chưa bao giờ chứng kiến.

Xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau nằm trong tuyến đê bao được thiết kế để chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tuy nhiên, dù được hoàn thành chưa quá lâu nhưng nơi đây đã bị nước biển tràn qua. Đê biển Tây ở tỉnh Cà Mau có cao trình dương 3m, gấp đôi so với mực nước lớn của biển. Theo kết quả quan trắc, nó vẫn thấp hơn ngọn sóng vào ngày 3/8 vừa qua 0,4m. Theo nhận định của các chuyên gia, đây không phải do lỗi tính toán mà biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan đến nhanh hơn dự báo.

Tuyến đê biển được xây dựng với kinh phí nghìn tỷ đồng và được hoàn thành chưa lâu lại "thất thủ" trước một đợt sóng lớn. Người dân ở đây lo lắng những hiện tượng cực đoan như thế hoàn toàn có thể tiếp diễn trong tương lai, nhất là trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Đáng lo ngại là hiện nay, cơ sở hạ tầng tại miền Tây vẫn đang có sức chống chịu khá thấp trước thiên tai.

Miền Tây lâu nay vốn dĩ yên bình nhưng những hiện tượng bất thường gần đây cho thấy, thiên tai có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Từ ý kiến của các chuyên gia và ngành chức năng, chúng ta có thể thấy, thiên tai cực đoan sẽ còn tiếp diễn và không thể ngăn chặn. Chính vì thế, công tác ứng phó, di dời và xây dựng cơ sở hạ tầng có đủ sức chống chịu là điều rất quan trọng để bảo vệ người dân trong bối cảnh hiện nay.

Vì sao đê biển Tây “thất thủ” trước sóng lớn? Vì sao đê biển Tây “thất thủ” trước sóng lớn?

VTV.vn - Giai đoạn từ năm 2015 - 2017, tỉnh Cà Mau đã đầu tư nâng cấp hàng chục km đê biển Tây với nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
 

Share:

Cùng chuyên mục